1. MẬT ONG ĐỂ ĐƯỢC BAO LÂU?
Nên dùng hết mật ong trong vòng 2 năm kể từ ngày khai thác: Nhiều người nói mật ong để càng lâu càng tốt, thậm chí để bao lâu cũng được. Đấy là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, mật ong là thực phẩm, để quá lâu, hình thức có vẻ vẫn ổn, nhưng lượng dinh dưỡng đã bị phân hủy đi nhiều rồi. Tốt nhất các anh chị nên sử dụng hết mật ong trong vòng 2 năm mà thôi.
Đối với Mật Ong Rừng, tôi khuyên nên tối đa 2 năm, vì đối với mật rừng, trong khi khai thác không thể tránh được phấn hoa và nhộng ong non dính vào mật, rất dễ gây lên men, làm hỏng mật.
Còn Mật Ong Nuôi: Tối đa cũng chỉ nên để 3 năm, đấy là tối đa, còn không, cứ 2 năm là nên sử dụng hết. Đừng tích trữ mật quá nhiều, để lâu hỏng, vứt thì tiếc, ăn thì không nổi.
2. CÁCH BẢO QUẢN MẬT ONG CÒN NGUYÊN SÁP
Mật Ong còn nguyên sáp, dù là mật nuôi, hay mật rừng. Các anh chị nếu có mua, hoặc được tặng cả tảng mật lẫn sáp! Nhiều người thích để nguyên như vậy, thi thoảng bẻ hoặc xắt lấy 1 miếng sáp lẫn mật ăn ngon lành. Ngon thì tất nhiên là ngon rồi, nhưng các anh cố gắng vắt bỏ phần mật ra khỏi sáp càng sớm càng tốt. Tối đa trong vòng 5 đến 6 tháng là phải vắt mật ra khỏi sáp. Để quá lâu, sáp sẽ gây lên men, mật lẫn sáp sẽ bị chua, hỏng.
Sau khi đã loại bỏ được phần sáp, số mật ta thu được, các anh chị rót bỏ vào chai/lọ/hũ tùy ý để sử dụng.
3. LỰA CHỌN CHAI – LỌ ĐỂ BẢO QUẢN MẬT ONG
+ THỦY TINH: Không thể phủ nhận, Thủy Tinh là dụng cụ đựng mật ong tốt nhất, vì tính thẩm mĩ, độ sạch, và tất nhiên là thói quen sử dụng của loài người nữa. Thủy Tinh ra đời trước khi nhựa Plastic được phát minh, nhân loại trải qua hàng trăm năm đựng mật ong trong bình/hũ thủy tinh rồi. Nghiễm nhiên coi rằng “mật ong phải đựng hũ thủy tinh”….
+ NHỰA PLASTIC: Nhưng không hẳn. Nếu các anh chị có những chai/lọ/bình bằng nhựa Plastic đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sạch sẽ, không màu, không mùi thì rất tốt để đựng mật ong. Các nhà sản xuất mật ong của Phương Tây (nơi yêu cầu về an toàn thực phẩm cực kì khắt khe), đa phần mật ong thương mại được đựng trong những lọ/chai nhựa vì dễ vận chuyển, không sợ vỡ, và vẫn an toàn cho mật ong. Chỉ những nhãn hàng cao cấp, hoặc những sản phẩm mật ong có giá trị cao, họ mới đựng trong những bình/hũ thủy tinh mà thôi.
==> Quan điểm của riêng tôi. Nếu để mang tặng, biếu, hoặc trình bày đẹp, thì bình/hũ Thủy Tinh là lựa chọn hàng đầu. Còn sử dụng trong gia đình, tôi lại thường dùng chai nhựa Plastic, rất dễ bảo quản, không sợ bị rơi vỡ! Nếu đem so sánh 1 chai mật đựng trong hũ thủy tinh và 1 chai nhựa, sau 12 tháng bảo quản , chúng hoàn toàn giống nhau về chất lượng, mùi vị, màu sắc. Mà đựng trong chai nhựa, nếu mật bị kết tinh, đóng đường thì rất dễ để cắt vỏ, lấy mật ra.
Người Việt có thói quen đựng mật ong trong những chai/lọ có miệng nhỏ. Còn phương Tây thì ngược lại, họ thích đựng trong những hũ có miệng lớn, chủ yếu là do thói quen sử dụng thôi. Người phương Tây sử dụng mật ong thay cho đường hàng ngày, ăn kèm đồ ăn, chả thế mà họ có 1 cái gọi là Honey Dipper để lấy mật ra khỏi hũ 1 cách dễ dàng.
==> Lời khuyên của tôi: Nếu các anh chị có nhiều hơn 2 Lít mật ong, hãy bảo quản số mật ấy vào 1 chai/lọ bất kì mà các anh chị muốn. Nhưng nên có 1 hũ/chai nhỏ hơn, dung tích cỡ 300 -> 500ml gì đó để sử dụng hàng ngày! Rót từ chai lớn sang chai nhỏ, dùng hết ta lại rót tiếp. Việc này vừa tránh được dị vật, tạp chất lạ rơi vào toàn bộ số mật ong của ta, vừa tránh trường hợp đánh rơi, đổ vỡ, ta không mất đi toàn bộ số mật dự trữ.
4. BẢO QUẢN & ĐỂ MẬT ONG CHỖ NÀO HỢP LÝ NHẤT?
Chỗ tối, râm mát, nhiệt độ lý tưởng là từ 21 -> 26 độ C.
Không được đặt mật ong nơi có ánh sáng mặt trời xuyên chiếu, mật sẽ nhanh đổi màu, biến chất, lên men và bị chua nếu để dưới ánh sáng mặt trời 1 thời gian dài/nóng.
Không nên đặt hẳn chai mật xuống nền nhà, nền gạch, nền đất. Đặc biệt ở miền Bắc, qua 1 mùa đông, nếu để mật sát đất, rất dễ & nhanh bị đóng đường/kết tinh.
Cất giữ mật ong ở những giá, kệ tủ bếp là nơi lý tưởng. Không được đặt sát bếp gas, bếp từ, nơi các nguồn nhiệt cao.
Tuyệt đối không đặt mật ong trong tủ lạnh! Nếu để ngăn mát, hầu hết các loại mật sẽ bị kết tinh/đóng đường.
+ Đặc biệt chú ý đối với mật ong rừng, nguyên tắc là không bao giờ được đóng kín nắp, mật ong rừng tạo khí gas dữ dội, đặc biệt khi thời tiết nóng. Nếu đóng nắp quá chặt, khi mở nắp, rất dễ mật bị phun, trào ra ngoài. Hãy dùng tay vặn chặt nắp, rồi nhẹ xoay ngược theo chiều ngược lại 1 chút, làm sao để có không khí lưu thông (dù ít), nhưng không đủ rộng để cho kiến, hay các côn trùng khác chui vào chai/lọ mật.